Khắc tên trên lon Coca Cola: Người tiêu dùng Việt đang bị lợi dụng

08:31 |
“Người tiêu dùng Việt Nam đang bị lợi dụng chính tên thương hiệu cá nhân của mình để quảng cáo cho CocaCola”, một vị chuyên gia Marketing cảnh báo.
Người tiêu dùng Việt đang bị Coca Cola lợi dụng
Sở hữu một lon Coca Cola có tên hoặc nickname của mình đang trở thành cơn sốt lan tỏa trên trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, chương trình khắc tên trên lon Coca-Cola của hãng nước ngọt này cũng thu hút sự quan tâm lớn của không ít người.
Trào lưu khắc tên trên vỏ lon Coca-Cola người tiêu dùng Việt đang bị lợi dụng để quảng bá cho thương hiệu Coca-Cola.

Nhìn thoáng qua hẳn mọi người sẽ cho rằng đây chỉ là những sở thích mang tính phong trào của giới trẻ, là “chuyện nhỏ”… tuy nhiên ở góc độ người trong ngành, một chuyên gia Marketing thương hiệu (xin được giấu tên) khẳng định: “Người tiêu dùng Việt Nam đang bị lợi dụng chính tên thương hiệu cá nhân của mình để quảng cáo cho Coca Cola”.
Vị chuyên gia này cho biết, chương trình in tên riêng cho khách hàng được Coca Cola thực hiện tại một số địa điểm cố định ở Việt Nam giống như cách họ đã làm tại rất nhiều nước khác.
Thành công của Coca Cola là đã đánh vào tâm lý tò mò của mọi người, nhất là giới trẻ. Thay vì dòng chữ Coca Cola thông thường, khách hàng sẽ thấy tên mình in trên lon, đó là sự hãnh diện vì thương hiệu cá nhân.
Tuy nhiên đằng sau niềm vui, chút sĩ diện thoáng qua đó, người tiêu dùng đang vô hình chung biến tên mình trở thành kênh truyền thông quảng bá cho Coca Cola. Không chỉ bạn trẻ, thậm chí các trạng mạng xã hội Facebook của những người nổi tiếng cũng xuất hiện lon Coca Cola có tên của mình.
Theo vị chuyên gia, ẩn chứa đằng sau động thái này chính là cách để Coca Cola quảng bá thương hiệu mà không mất một đồng quảng cáo nào.
“Thử lấy ví dụ cái tên Đàm Vĩnh Hưng được in trên lon Coca Cola, khía cạnh Marketing, ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng đang quảng cáo cho Coca Cola, kéo theo đó hàng nghìn fan của ca sĩ này bắt chước, như vậy Coca Cola được quảng cáo miễn phí còn thương hiệu của Đàm Vĩnh Hưng lại bị gắn với một lon nước ngọt”, vị chuyên gia phân tích.
Coca Cola che mắt người tiêu dùng Việt nghi vấn chuyển giá?
Cách đây không lâu, dư luận xã hội từng lên án gay gắt nghi án chuyển giá trốn thuế của Coca Cola.
Bắt đầu từ cuối năm 2012, sau khi Cục Thuế TP.HCM công bố thông tin từ khi thành lập (tháng 2/1994) đến nay chưa năm nào Công ty Coca Cola Việt Nam khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm.
Năm 2004 doanh thu 728 tỉ đồng, số lỗ là 110 tỉ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỉ đồng. Tương tự năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng. Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Nhiều bức tranh biếm họa kêu gọi tẩy chay Coca Cola sau nghi án chuyển giá trốn thuế.
Tuy khai lỗ nhưng nghịch lý ở chỗ, Coca Cola Việt Nam liên tục tăng vốn đầu tư vào một loạt dự án khủng tại Việt Nam. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.
Từ đây nghi vấn chuyển giá của “đại gia” đồ uống ngọt có ga được dư luận đặt ra, trên khắp phương tiện truyền thông báo chí câu chuyện Coca Cola gần 20 năm đầu tư tại Việt Nam nhưng chưa đóng 1 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào bởi đơn giản Coca Cola liên tục báo lỗ.
Một phong trào tẩy chay Coca Cola được cộng đồng mạng lan truyền, thậm chí có những Fanpage được thành lập trên mạng xã hội với nội dung kêu gọi người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay Coca Cola cho đến khi nghi vấn chuyển giá, trốn thuế được làm sáng tỏ..
Trong khi đó đứng phía cơ quan quản lý nhà nước, đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng khẳng định, những doanh nghiệp như Coca-Cola đang làm xấu đi hình ảnh của 14.500 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tuyên bố “Chúng ta không chấp nhận việc Coca-Cola hay Adidas đầu tư thu lợi ở Việt Nam mà không mất một đồng tiền thuế nào, chúng ta không bằng lòng và chấp nhận chuyện này”.
Gần 20 năm hoạt động nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho đất nước Việt Nam, nhiều người cho rằng nếu nghi vấn trên là thật thì Coca-Cola đang “hút máu” người tiêu dùng Việt. Và trào lưu chạy theo chiêu quảng bá khắc tên trên lon Coca Cola hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt đang bị lợi dụng mà không hề hay biết.
Lên tiếng về hiện tượng này, chia sẻ trên Facebook của mình, ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cảnh báo: Dường như người Việt Nam quá dễ quên. “Mình tuyệt đối không dùng Coca Cola vì đơn giản mình nghĩ nó trốn thuế. Có khắc cái chữ lên cái chai mà bao người nhao nhao lên tìm bằng được”.
Ngay lập tức, rất nhiều cư mạng mạng đã gửi comment đồng tình với nhận định của ông Vũ Tuấn Anh. Bạn TanTranCong viết: “Cái này em Like 100%. Em không bao giờ sử dụng Coca Cola nữa vì đơn vị này chả làm gì được cho Việt Nam mình”.

Trước nhận định của cộng đồng mạng, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng: “Công ty có trốn thuế hay không là việc của công ty, nhà nước bắt trốn thuế là việc của nhà nước, bỏ tiền ra mua cái gì là quyền của chúng ta tuy nhiên hãy suy nghĩ dù chỉ 1 đồng bỏ ra thì cái sản phẩm và dịch vụ đó có xứng đáng để chúng ta tiêu tiền cho nó hay không”.

Đến Bill Gates cũng không có "cửa" vào làm việc tại Việt Nam

08:51 |
Nhiều lao động nước ngoài (LĐNN) có trình độ chuyên môn khốn khổ vì vướng mắc trong việc xin giấy phép vào Việt Nam làm việc. Dư luận cho rằng, với những quy định thiếu thực tế hiện nay, ngay cả tỷ phú Bill Gates hay ông chủ facebook cũng không có “cửa” để vào Việt Nam làm việc (vì chưa có bằng đại học).
Sính bằng cấp
Thông tư 03 của Bộ LĐ-TB&XH (có hiệu lực từ 3/2014) hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 102 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về LĐNN làm việc tại Việt Nam) đang gây khó cho nhiều LĐNN có trình độ chuyên môn muốn vào Việt Nam làm việc. Theo đó, đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài là chuyên gia, phải có một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc (mà NLĐ dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam).
Liên quan đến quy định này, đại diện Cty Baker & McKenzie, ông Fred Burke cho biết, Cty ông vừa bị TPHCM từ chối cấp giấy phép lao động cho một LĐNN đã từng làm việc cho hãng được 3 năm và tốt nghiệp ở một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Có chuyện tréo ngoe này là do đối chiếu với quy định “5 năm kinh nghiệm” còn thiếu.

Ông Colin Blackwell, một kỹ sư Hàn Quốc cũng cho biết, nhiều người là chuyên gia quan trọng trong quá trình sản xuất thiết bị, nhưng vì không đủ 5 năm kinh nghiệm nên cũng bị từ chối cấp giấy phép lao động.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ mới đây, ông Yoshihira Maruta, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cũng phản ánh: Kể từ khi Thông tư 03 có hiệu lực đến nay, một số doanh nghiệp Nhật Bản được các cơ quan chức năng thông báo những lao động đến Việt Nam nếu lưu trú dù chỉ một ngày cũng phải xin phiếu lý lịch tư pháp của địa phương. Thời gian quá ngắn nên nhiều cơ quan chức năng đã từ chối cấp lý lịch tư pháp cho các lao động Nhật Bản.
Ai xác nhận “thâm niên 5 năm”?
Với giáo viên tiếng Anh, khi nộp hồ sơ xin cấp phép, bị xếp vào đối tượng chuyên gia. Theo quy định tại Nghị định 102 và Thông tư 03,chuyên gia phải là người “có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành đào tạo”. Quy định này đang khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tuyển dụng LĐNN vào giảng dạy.
Theo TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương), trường có 190 giảng viên, trong đó có 85 giảng viên nước ngoài. Trước khi có Nghị định 102 của Chính phủ, mọi thứ diễn ra bình thường.
Từ khi có nghị định, trường gặp khó khăn trong việc tuyển giảng viên nước ngoài. Giảng viên ở trường nhiều người đã giảng dạy 20 năm, nhưng không có giấy xác nhận kinh nghiệm. “Họ không biết xin ở đâu, lãnh sự quán cũng không cấp. Đây là loại giấy xa lạ với phong cách và học thuật của người nước ngoài”, ông Phúc nói.
Với quy định hiện hành, lãnh đạo một số trường sử dụng giảng viên nước ngoài khẳng định, có cảm tưởng các nhà làm luật sính bằng cấp. “Họ thích thì quy định, chứ không cần biết nỗi khổ thực thi ra sao”, Hiệu trưởng một trường đại học tại Hà Nội nói.
Theo vị này, quy định hiện hành rõ ràng là rất nhiêu khê. Chẳng lẽ, những giáo viên từng dạy ở nhiều nước (Mỹ, Hàn Quốc...) họ lại phải đến từng nước đã giảng dạy để xin xác nhận về thâm niên công tác(?). “Với quy định hiện hành, đến như tỷ phú Bill Gates cũng khó được cấp giấy phép vào Việt Nam làm việc. Quy định như vậy là quá sính bằng cấp. Trong khi đó, nếu ông Bill Gates đến Việt Nam, có lẽ tất cả chúng ta phải ngả mũ chào đón”, vị này nói.
Phải thay đổi
Ngày 8/7, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, quy định hiện hành có ưu điểm là hạn chế được LĐNN bất hợp pháp. Tuy nhiên, lại gây bất lợi cho những đối tượng có trình độ kỹ thuật chuyên môn muốn cống hiến cho Việt Nam. Do đó, tới đây, khi sửa Nghị định 102, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng. “Với lao động có hợp đồng rõ ràng, chuyên môn cụ thể, cần được ưu tiên về thủ tục cấp giấy phép lao động”, bà Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục này đang trong quá trình tham gia sửa Nghị định 102. Theo bà Vân, đã là chuyên gia, phải có bằng cấp đàng hoàng. “Trong thời gian chờ sửa Nghị định 102, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết để tạo điều kiện cho một số đối tượng LĐNN khi vào Việt Nam làm việc”, bà Vân nói.
Theo bà Vân, tất cả những vướng mắc hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã xin ý kiến Chính phủ. “Việc sửa Nghị định 102 thế nào, hiện chưa thể nói được. Chúng tôi còn phải đánh giá lại tất cả các điều kiện đưa ra trước đây cái gì được, chưa được”, bà Vân nói.
Một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các quy định hiện hành là nhằm mục đích để quản lý chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến LĐNN, trong đó có việc cấp phép. Tuy nhiên, khi thực thi, đã có một số vướng mắc, bất hợp lý ở một số lĩnh vực. Chính phủ đã biết việc này và đang giao các cơ quan liên quan nghiên cứu tìm hướng tháo gỡ.

Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)

Những căn biệt thự bỏ hoang và nỗi ám ảnh dân giàu Hà Nội

08:52 |
Từ cầu Diễn đi tiếp khoảng 5 km, không ít người ngạc nhiên với những dãy biệt thự san sát, kiến trúc sang trọng nhưng vẫn bị bỏ hoang. Đường 32 đã không còn “đau khổ” với người dân nhưng thực sự lại là ám ảnh đối với các chủ đầu tư BĐS.
Ngay đầu Hoài Đức, dự án Lideco do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, những căn biệt thự, nhà liền kề kiến trúc kiểu Pháp nằm san sát, nhưng lại cửa đóng, then cài. Dự án đã được hoàn thiện hạ tầng đường nội bộ, điện nước đầy đủ, thậm chí các luống hoa, cỏ cảnh trong khu cũng đã được trồng khá lâu, nhưng khách hàng vẫn chưa nhận nhà, chuyển về ở.
Theo phản ánh của người dân xung quanh khu Lideco, chẳng có mấy ai dám lang thang trong khu này vào buổi trưa hoặc buổi tối. Khoảng 7h tối, tìm một căn biệt thự thắp đèn tại khu Lideco rất khó.
Qua tìm hiểu được biết, dự án Lideco được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007 và hoàn thiện từ năm 2013 với hơn 600 biệt thự kiểu Pháp. Đến cuối năm 2013 mới có hơn 400 căn biệt thự tại đây được bàn giao cho khách hàng, nhưng đến nay mới chỉ có vài hộ chuyển đến ở, phần lớn các biệt thự còn lại đều trong tình trạng bỏ hoang.
Bạt ngàn biệt thự kiểu Pháp để hoang
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân phần lớn khách hàng chưa nhận nhà là do không thể giao đủ số tiền mua nhà sau khi công trình hoàn thiện vào cuối năm 2012. Bằng nỗ lực của mình, chủ đầu tư đã có chính sách hỗ trợ tài chính với lãi suất vay 15%/năm trong 3 tháng cho những khách hàng còn thiếu tiền.
Sau thời gian dài không có người tới ở, thậm chí các chủ nhân không tới nhận nhà.
Những dãy nhà san sát vắng bóng người
Vào cuối 2011, chủ đầu tư dự án cũng có thông báo bán 50 căn biệt thự với giá 33 triệu đồng/m2, mức giá này so với hồi “sốt nóng” giảm khoảng 35%. Đến nay, sau hơn 2 năm suy giảm, giá biệt thự tại đây đang được chào bán chỉ còn khoảng 15-20 triệu đồng/m2 tùy vào từng căn, diện tích.
Dự án Tân Tây Đô với diện tích hơn 23ha cùng hàng trăm căn nhà liền kề, biệt thự đã hoàn thành tuy đã được bàn giao nhà cả năm nay nhưng phần lớn vẫn chưa có người ở. Giá cũng lao dốc khá mạnh, mặt bằng chung về giá liền kề, biệt thự cũng đang được chào bán quanh ngưỡng 25-30 triệu đồng/m2 mà vẫn không có thành khoản.
Liền kề Tân Tân Đô trở thành chỗ trồng rau
Những căn biệt thự tiền tỷ cửa sắt hoen rỉ không bóng người.
Cỏ mọc um tùm cao quá đầu người
Thê thảm nhất trong các dự án nghìn tỷ dọc theo quốc lộ 32 là dự án Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty CP Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. Có tổng diện tích đất trên 170ha, đây là dự án có quy mô lớn nhất trong chuỗi các dự án đô thị phát triển và dân số dự kiến vào khoảng 30.000 người.
Ngoại trừ một số ít các căn nhà liền kề đã được thi công xong phần thô. phần lớn diện tích đất còn lại đang bị cỏ mọc um tùm, máy móc xây dựng, bêtông nằm “đắp chiếu”. Thời điểm sốt đất hồi đầu năm giá đất liền kề, biệt thự tại đây lên đến 50-55 triệu đồng/m2. Và từ mức giá 37 triệu đồng/m2 của năm 2010, nay được rao bán khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch.
Dự án mới chỉ thi công được một phần, còn lại đang ngổn ngang, bỏ không
Chết vì đầu cơ
Trong giai đoạn bùng nổ của thị trường BĐS, các đại gia địa ốc đã quá kỳ vọng vào một nhu cầu “ảo” mang tính đầu cơ hơn là nhu cầu thực tế của người dân. Đây là hệ quả của một thời gian dài thị trường bất động sản phát triển bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư bất động sản. Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao.
Khảo sát các sàn BĐS cho thấy, “khẩu vị” của khách hàng bất động sản hiện nay đã thay đổi. Thay vì vẻ hào nhoáng của những căn biệt thự hoành tráng, họ chú trọng hơn đến nhu cầu ở thực và ưa chuộng những dự án nằm gần hoặc trong khu vực nội đô, có hạ tầng xã hội hoàn chỉnh.
Theo nhận định của Savills VN, phân khúc biệt thự và nhà liền kề có xu hướng tiếp tục giảm trên khắp các quận, huyện. Tuy nhiên, dù giá giảm mạnh, song nhìn chung giá chào bán của phân khúc này vẫn ngự ở mức cao so với mặt bằng thu nhập của người dân hiện nay. Chính vì vậy, họ không có đủ điều kiện kinh tế để đầu tư vào phân khúc nhà ở “đắt đỏ” này. Số lượng người có đủ tiền để mua những căn biệt thự này là rất ít.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng đã khiến cho việc bán các căn biệt thự cao cấp này trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng giao thông ở những khu đô thị mới này chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân nghi ngại khi quyết định mua nhà và dọn nhà về ở…
Dự báo quý tới, nguồn cung thị trường biệt thự, liền kề có 86 dự án với tổng diện tích khoảng 11.500 ha nằm rải rác tại 15 quận huyện. Trong đó, gần 60 dự án vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Số còn lại đã xong hạ tầng tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Quốc Oai, Hà Đông.

                                                                                                                  Theo Vietnamnet

Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam

09:59 |
“Chúng tôi vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, chiều 27/6.
Xuất nhập khẩu với Trung Quốc đang chậm lại
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, với thị trường Trung Quốc, trong tháng 5-6 đang có dấu hiệu giảm sâu.
Ông Hòa cho hay, hiện nhiều nông sản Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, lúa gạo, cao su, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, còn thanh long, vải, bột sắn, thị trường này chiếm 80-90%.
Theo ông Hòa, Trung Quốc là thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng, nên “ăn hàng” khá mạnh. Với điều kiện nông sản Việt Nam chưa được chế biến sâu, hệ thống bảo quản còn kém, thì đây là thị trường thuận lợi.
Về việc Trung Quốc giảm nhập cao su (nửa đầu năm ngoái chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu, nhưng 6 tháng đầu năm nay 37%), ông Hòa cho rằng, do nhu cầu trong nước tăng lên. “Năm ngoái, nhu cầu mủ cao su khô chế biến công nghiệp 18%, nhưng nay tỷ lệ trên tăng lên, lấp phần giảm xuất sang Trung Quốc” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, năm 2013, Trung Quốc nhập của Việt Nam khoảng 3,2 triệu tấn gạo (trong khi xuất khẩu cả nước là 7,2 triệu tấn), trong đó, nhập chính ngạch là 1,8 triệu tấn, tiểu ngạch 1,4 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập chính ngạch khoảng 1,1 triệu tấn, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Chế biến nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, Trung Quốc chiếm khoảng 30% thị phần với thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
“Đương nhiên, hàng xuất sang Trung Quốc giá trị sẽ không cao như các thị trường khác. Trong tháng 5-6, xuất khẩu chậm lại có thể do tâm lý một số tiểu thương Trung Quốc tạm dừng giao thương, lao động phổ thông hạn chế, việc bốc xếp cũng chậm lại” - ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nông sản xuất qua Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, nên tiềm ẩn nguy cơ không ổn định. “Chúng tôi vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu nào đó có khả năng họ sẽ dừng một thời gian để chấn chỉnh các quy định. Việc tạm dừng phía họ, trước đây từng làm nhiều lần. Chúng tôi bàn để hạn chế rủi ro” - ông Tuấn nói.
Tích cực tìm thị trường mới
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm hôm nay, theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, với những nông sản bị ảnh hưởng thị trường với Trung Quốc, Bộ đã rà soát lại các thị trường, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các bộ ngành, làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật, vận động các nước để mở cửa thị trường.
Theo ông Phát, ở trong nước, Bộ đã làm việc với các hiệp hội, DN để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của DN, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cố gắng cao nhất hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN kinh doanh, xuất khẩu. “Chúng tôi cũng rà soát và thông tin cho các địa phương, người về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất”- ông Phát nói.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nếu thị trường Trung Quốc “kẹt”, một số mặt hàng sẽ tiếp tục khó khăn là cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống. Tuy nhiên, thời gian tới, xuất khẩu nông sản sẽ khả quan do tìm kiếm thêm thị trường mới, trong đó có những nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, lâm sản.
Bà Trần Thị Bích Nga, Phó Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cho biết, hiện Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận để xuất hàng nông sản sang thị trường Argentina. Bộ cũng đang cử các đoàn công tác sang Mỹ để tháo gỡ khó khăn với cá tra do Luật Nông trại của Mỹ, đang cử đoàn sang Nga để đàm phán mở cửa lại thị trường thủy sản.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia nông nghiệp, tới đây, một số thị trường như Philippines, Indonesia... có thể mua thêm gạo cho Việt Nam; Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam tiêu thụ thủy sản; Nhật Bản, Hàn Quốc có thể tăng mua thêm dăm gỗ cho Việt Nam.
(Theo Tiền Phong)

Giá vàng tiếp tục tăng, chênh lệch co hẹp

14:25 |
Sáng nay 24/6, giá vàng trong nước tiếp tục tăng nhẹ hướng về mốc 37 triệu đồng/lượng, dù giá vàng giao ngay tại châu Á đang đi xuống. Hiện khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường duy trì ở mức 2,9 triệu đồng/lượng.

Lúc 9h sáng nay 24/6, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 36,72 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,8 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 36,73 triệu đồng/lượng - 36,8 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại hai thành phố lớn qua niêm yết của DOJI điều chỉnh tăng nhẹ mỗi chiều 40.000 đồng/lượng và 20.000 đồng/lượng.

Báo giá của một số cửa hàng vàng khác tại Hà Nội cho thấy, giá vàng SJC giao dịch ở mức 36,74 triệu đồng/lượng - 36,79 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 40.000 đồng/lượng và 20.000 đồng/lượng.


Tại TPHCM, giá vàng SJC được các doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch quanh mức 36,67 triệu đồng/lượng - 36,82 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ mỗi chiều 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Dù điều chỉnh tăng nhẹ khi giá vàng giao ngay tại châu Á đang đi xuống nhưng giá vàng trong nước đã co hẹp biên độ chênh lệch, xuống còn 2,9 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch hôm qua 23/6, trên sàn Comex, giá vàng giao kỳ hạn tháng 8 tăng 0,1%, lên mức 1.318,4 USD/ounce. Tuy nhiên, đến 8h40 sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đã đảo chiều đi xuống với biên độ giảm hơn 2 USD, giao dịch ở mức 1.316,2 USD/ounce.

Phiên hôm qua, đồng USD có chuỗi ngày giảm giá lâu nhất 7 tuần, khiến nhu cầu kim loại quý đóng vai trò tài sản thay thế lên cao. Theo Bloomberg, đồng bạc xanh giảm 4 phiên so với giỏ 10 đồng tiền chính thế giới, đây là chuỗi ngày giảm lâu nhất của đồng USD từ ngày 30/4.

Báo cáo hôm qua cho biết doanh số bán nhà cũ tăng 4,9% lên 4,89 triệu nhà trong tháng 5, tăng mạnh nhất kể từ tháng 10. Giá nhà cũng tăng nhưng với tốc độ thấp nhất hơn 2 năm qua.

Ngoài ra, một số thông tin khác về kinh té vĩ mô của Mỹ cũng đã hỗ trợ thị trường hàng hóa, trong đó có vàng. Trong đó, chỉ số đo tăng trưởng sản xuất Mỹ tăng lên 57,5 điểm trong tháng 6, từ mức 56,4 điểm tháng 5. Chỉ số sản xuất chỉ cần đạt trên 50 điểm đã cho thấy sự tăng trưởng phát triển.

Hiện giá vàng đang hướng tới tăng quý thứ 2 liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2011 do nhu cầu tài sản an toàn tăng khi bạo động leo thang tại Iraq và căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác tăng đặt cược giá vàng lên tới 30% trong tuần kết thúc ngày 17/6, tăng mạnh nhất kể từ tháng 2, số liệu của chính phủ Mỹ ngày 20/6.
                                                                                                                                            (Theo Dân trí)